Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 21/12/2023

  • |
T5g.org.vn - Xem xét giải thể Quỹ vaccine phòng, chống Covid-19; Nỗi niềm nhân viên y tế trường học; Nhiều trẻ viêm phổi do vi khuẩn tụ cầu, cách phát hiện sớm căn bệnh này…

 

Xã hội hóa mua bảo hiểm y tế cho học sinh

Mô hình dân vận khéo “Xã hội hóa mua bảo hiểm y tế cho học sinh” đã và đang được Phòng An ninh kinh tế (Công an tỉnh Ðắk Nông) phối hợp với các nhà hảo tâm trao hàng trăm thẻ bảo hiểm y tế tặng các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Hoạt động này bảo đảm quyền lợi khám và chữa bệnh cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, tăng tỷ lệ bao phủ và tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân.

Vừa qua, Phòng An ninh kinh tế đã phối hợp với Phòng Giáo dục và Ðào tạo thành phố Gia Nghĩa (tỉnh Ðắk Nông); cấp ủy, chính quyền địa phương và các nhà hảo tâm tổ chức trao 108 thẻ bảo hiểm y tế tặng học sinh có hoàn cảnh khó khăn thuộc 4 trường học trên địa bàn thành phố. Trong tổng số 108 thẻ bảo hiểm y tế được trao tặng, có 103 thẻ được trao trực tiếp tại các trường học cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, 5 thẻ còn lại được đoàn công tác đến tận nhà trao và tặng quà trị giá 1 triệu đồng cho các trường hợp ốm đau, bệnh tật nhằm động viên các em vượt qua khó khăn vươn lên trong học tập.

Ông K’Mbreh, bố của học sinh H’Ðào ở bon Srê Ú (xã Ðắk Nia, thành phố Gia Nghĩa), xúc động cho biết: H’Ðào bị bệnh từ nhỏ, thường xuyên đau ốm, phải đi chữa bệnh tại các cơ sở y tế. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên chưa mua được bảo hiểm y tế cho con. Mỗi lần đi khám, chữa bệnh cho H’Ðào gia đình lại lâm cảnh khó khăn. Nay được lực lượng công an và các nhà hảo tâm đến tận nhà thăm hỏi, trao quà, tặng thẻ bảo hiểm y tế gia đình rất vui mừng. Khi có thẻ bảo hiểm y tế gia đình sẽ bớt khó khăn hơn khi cháu ốm đau phải đến các cơ sở y tế khám, chữa bệnh.

Phó Trưởng phòng Giáo dục và Ðào tạo thành phố Gia Nghĩa, Lê Thị Xuân cho biết, việc trao thẻ bảo hiểm y tế tặng các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn rất có ý nghĩa, mang tính nhân văn sâu sắc; thể hiện tinh thần tương thân, tương ái, giúp đỡ, chia sẻ khó khăn vất vả của các gia đình, nhất là mỗi khi con em ốm đau, bệnh tật phải nhập viện điều trị; góp phần động viên các cháu nỗ lực phấn đấu vươn lên trong học tập.

Ðến nay, qua 2 đợt triển khai chương trình, đã trao tặng gần 200 thẻ bảo hiểm y tế trị giá gần 120 triệu đồng, 2 tivi trị giá 14 triệu đồng, 5 suất học bổng và 100 bộ quần áo cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Trưởng phòng An ninh kinh tế (Công an tỉnh Ðắk Nông) Trần Văn Hiệp cho biết, với thông điệp “Một tấm thẻ-Ngàn yêu thương”, chương trình không dừng lại ở sự chia sẻ về vật chất mà còn động viên về tinh thần, giúp những gia đình có hoàn cảnh khó khăn bớt gánh nặng về chi phí khám, chữa bệnh khi bị ốm đau.

Thời gian tới, tập thể lãnh đạo, chỉ huy và toàn thể cán bộ chiến sĩ của đơn vị sẽ tiếp tục vận động các tổ chức, doanh nghiệp và các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh cùng đồng hành để triển khai mở rộng đến một số huyện khác trên địa bàn tỉnh nhằm chia sẻ, hỗ trợ các em học sinh có khó khăn chưa có thẻ bảo hiểm y tế, góp phần lan tỏa yêu thương trong cộng đồng xã hội. (Nhân dân, trang Tây Nguyên).

 

Nỗi niềm nhân viên y tế trường học

Theo hướng dẫn mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo về danh mục vị trí việc làm nhân viên y tế trường mầm non, phổ thông, từ ngày 16-12-2023, đội ngũ nhân viên y tế chuyển từ nhóm “chuyên môn dùng chung” sang nhóm “hỗ trợ, phục vụ” và thực hiện theo hình thức ký hợp đồng lao động.

Sự điều chỉnh này khiến đội ngũ nhân viên y tế có nhiều băn khoăn, trăn trở. Nhiều trường học đứng trước nguy cơ khó có thể tìm được người đảm nhận vị trí này và thu hút họ gắn bó lâu dài để thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe học sinh.

Vì sao chuyển sang nhóm hỗ trợ, phục vụ?

Các vị trí việc làm trong cơ sở giáo dục hiện nay được phân thành 4 nhóm gồm: Lãnh đạo quản lý, chuyên môn nghiệp vụ, chuyên môn dùng chung và hỗ trợ, phục vụ. Trước đây, vị trí việc làm của nhân viên y tế học đường được định biên và là nhân viên trong cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, theo hướng dẫn mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại Thông tư số 19/2023/TT-BGDĐT và Thông tư số 20/2023/TT-BGDĐT, vị trí việc làm của nhân viên y tế trường mầm non, trường phổ thông và các trường chuyên biệt công lập chuyển vào nhóm 4 (nhóm hỗ trợ, phục vụ), cùng nhóm vị trí bảo vệ, phục vụ và nấu ăn trong trường học.

Thông tin thêm về căn cứ ban hành hai thông tư nói trên, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, năm 2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 106/2020/NĐ-CP về vị trí việc làm và định mức số người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập. Ngày 30-12-2022, Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư số 12/2022/TT-BNV, trong đó vị trí “y tế học đường” xếp vào danh mục vị trí việc làm hỗ trợ, phục vụ.

Ngày 30-10-2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 19/2023/TT-BGDĐT và Thông tư số 20/2023/TT-BGDĐT (đều có hiệu lực từ ngày 16-12-2023) hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu chức danh nghề nghiệp, định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, trong đó vị trí việc làm của nhân viên y tế thuộc nhóm “hỗ trợ, phục vụ” trong trường học. Theo đó, các trường mầm non được bố trí tối thiểu 1 lao động hợp đồng để thực hiện nhiệm vụ y tế học đường. Các trường phổ thông căn cứ quy mô học sinh, tính chất, khối lượng công việc và điều kiện thực tế để xác định số lượng lao động hợp đồng đối với vị trí nhân viên y tế.

Trong hai thông tư vừa ban hành, Bộ Giáo dục và Đào tạo có quy định điều khoản chuyển tiếp để bảo đảm quyền lợi cho đội ngũ nhân viên y tế trường học đã được tuyển dụng trước ngày 15-2-2023 (trước thời điểm Thông tư số 12/2022/TT-BNV có hiệu lực). Cụ thể, nếu đang hưởng lương theo ngạch, bậc, hạng chức danh nghề nghiệp viên chức thì tiếp tục được thực hiện cho đến khi có hướng dẫn mới về chế độ tiền lương. Những nhân viên y tế trường học tuyển dụng mới sau ngày 15-2-2023 thì thực hiện theo chế độ hợp đồng lao động.

Nhiều nỗi niềm, trăn trở

Gắn bó với Trường Tiểu học Phú Lãm (quận Hà Đông) từ năm 2013 tới nay, hằng ngày, công việc của bà Nguyễn Thị Thùy, nhân viên y tế trường bắt đầu từ lúc 6h sáng và kết thúc vào buổi chiều, khi không còn một học sinh nào ở lại trường. Bà Thùy cho biết, trường có hơn 1.000 học sinh ăn bán trú, nên từ sáng sớm, bà có mặt tại trường kiểm tra việc giao - nhận thực phẩm và theo sát quy trình tổ chức bán trú. Vào đầu giờ học, các giờ ra chơi và giờ tan học của học sinh là những khoảng thời gian nhân viên y tế trường học bận nhất vì phải đối diện nhiều nguy cơ thương tích khi học sinh đùa nghịch.

Tại quận Hà Đông, 76 trường đã tuyển dụng biên chế, còn 21 trường chưa tuyển dụng được nên phải ký hợp đồng nhân viên y tế. Đã có thời điểm, một số trường phải phối hợp với nhân viên y tế của phường để làm nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe học sinh.

Lý giải về việc tại sao khó tìm người để hợp đồng vị trí nhân viên y tế, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hà Đông Phạm Thị Lệ Hằng cho hay, nếu làm ở phòng khám thì nhân viên y tế có thu nhập khoảng 7 triệu đồng trở lên, nhưng nếu làm ở trường học chỉ được một nửa. Trong khi đó, nhân viên y tế trường học phải trực cả ngày, khối lượng công việc nhiều, số lượng học sinh đông. Với hướng dẫn mới, nguy cơ khó tìm được vị trí đảm nhận nhiệm vụ y tế của các trường học có lẽ càng thêm khó.

Phụ trách công tác y tế của Trường Mầm non Trương Định (quận Hoàng Mai), bà Quản Thị Uyên bộc bạch, rất hụt hẫng và trăn trở khi y tế không thuộc nhóm vị trí việc làm được định biên trong trường học mà thuộc nhóm hỗ trợ, phục vụ. Khối lượng công việc nhiều cùng với sự điều chỉnh này khiến chị và nhiều đồng nghiệp cảm thấy thiệt thòi.

Trước tâm tư, nguyện vọng của nhân viên y tế và vai trò quan trọng của công tác y tế học đường hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa đề nghị Bộ Nội vụ nghiên cứu, sửa đổi Thông tư số 12/2022/TT-BNV theo hướng điều chỉnh vị trí y tế học đường từ danh mục “hỗ trợ, phục vụ” sang danh mục vị trí việc làm “chuyên môn dùng chung”. Đội ngũ nhân viên y tế các trường học đang mong mỏi sớm nhận được phản hồi tích cực. (Hà Nội mới, trang 5).

 

Nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ

Tại Hà Nội, chiều 20-12, Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024. Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Năm 2023, dù có sự chuyển đổi mô hình phòng khám quản lý sức khỏe cán bộ nhưng Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ trung ương, Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ các tỉnh, thành phố, Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ cấp cao thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, các bệnh viện trong hệ thống, bệnh viện tham gia làm công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ đã nỗ lực không ngừng phấn đấu hoàn thành tốt chức năng nhiệm vụ được giao.

Các bệnh viện trong hệ thống bảo vệ sức khỏe cán bộ, các bệnh viện trung ương, bệnh viện đa khoa tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được phân công đã phối hợp chăm sóc sức khỏe cán bộ, tham gia điều trị tốt các bệnh nhân là cán bộ diện Trung ương quản lý, bệnh nhân là đối tượng tại các địa phương.

Phát biểu tại hội nghị, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai biểu dương thành tích, kết quả Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ trung ương, Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ các tỉnh, thành phố, các bệnh viện, hội đồng chuyên môn bảo vệ sức khỏe trung ương và địa phương đã đạt được trong năm 2023.

Thời gian tới, Thường trực Ban Bí thư lưu ý, Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ trung ương tiếp tục phối hợp tốt với Bộ Y tế, các tỉnh, thành phố, các bệnh viện, nỗ lực hoàn thành tốt, toàn diện nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ và các chức năng, nhiệm vụ được giao, với tinh thần trách nhiệm và chuyên môn cao nhất.

Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ trung ương và toàn hệ thống tiếp tục thường xuyên nắm chắc tình hình sức khỏe cán bộ cấp cao, cán bộ diện quản lý, chỉ đạo kịp thời điều trị chất lượng đối với các trường hợp bị bệnh... Bên cạnh đó, tổ chức, triển khai thực hiện nâng cao chất lượng đối với các nội dung nhiệm vụ công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ tại Quyết định số 215-QĐ/TƯ ngày 2-1-2020 và Quy định 121-QĐ/TƯ ngày 25-1-2018 của Ban Bí thư về công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ cấp cao thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. (Hà Nội mới, trang 3).

 

Nhiều trẻ viêm phổi do vi khuẩn tụ cầu, cách phát hiện sớm căn bệnh này

Những ngày qua, số lượng bệnh nhi đến khám tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn được chẩn đoán bị viêm phổi tụ cầu tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Dù bệnh không gây thành dịch nhưng mức độ nguy hiểm là rất lớn với tỷ lệ tử vong cao.

Trong hàng trăm bệnh nhân viêm phổi nhập viện thì có đến 1/3 trong số đó mắc viêm phổi do vi khuẩn tụ cầu. Điều đáng nói là rất nhiều phụ huynh nhầm lẫn với các bệnh lý khác, khiến thời gian điều trị lâu hơn, trẻ dễ gặp phải những di chứng nặng nề.

Vi khuẩn tụ cầu vàng có ở đâu?

Tụ cầu vàng là một loại vi khuẩn tụ cầu có độc tính cao, có thể kháng với nhiều loại kháng sinh nếu người bệnh không tuân thủ điều trị của bác sĩ. Đây là loại vi khuẩn gây nên nhiều bệnh cấp tính nặng, rất khó điều trị và có thể dẫn đến tử vong nếu không được trị liệu kịp thời.

Vi khuẩn tụ cầu vàng có mặt khắp mọi nơi trong môi trường tự nhiên, có nhiều ở môi trường bệnh viện. Đa phần các trường hợp bị nhiễm khuẩn tụ cầu vàng đều tìm thấy vi khuẩn này trên da. Chúng thường xâm nhập thông qua vết thương hoặc vết cắt. Ngoài ra, vi khuẩn này cũng có thể sinh sống trên bề mặt vật dụng cá nhân và lây truyền từ người này sang người khác qua chạm vào các bề mặt này…

Ở người khỏe mạnh tỷ lệ mang tụ cầu vàng từ 20 - 50% và tỷ lệ này cao hơn ở những người có tình trạng suy giảm miễn dịch, tiêm chích ma túy, tiểu đường, người lọc máu, bị các tổn thương ngoài da. Không chỉ gây ngộ độc thực phẩm khi vi khuẩn này xâm nhập vào quá trình chế biến, khi bảo quản thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, tụ cầu vàng khi xâm nhập vào cơ thể còn gây nhiễm trùng huyết, làm suy đa cơ quan và tử vong nhanh chóng.

Chính vì vậy, viêm phổi do tụ cầu khuẩn là bệnh nhiễm khuẩn rất nặng, có tỷ lệ tử vong cao. Người bị nhiễm tụ cầu vào phổi qua hai đường: Hít thở tụ cầu vào theo đường hô hấp hoặc tụ cầu từ các ổ nhiễm khuẩn da hay cơ quan khác theo đường máu vào phổi, rồi gây viêm phổi.

Biểu hiện viêm phổi do tụ cầu

Một bệnh nhân bị bệnh cúm, sau vài ngày thì sốt cao, khó thở, ho dữ dội, suy kiệt nhanh chóng, đau ngực, nhiễm độc... là biểu hiện của viêm phổi. Bệnh thường kèm theo viêm họng dịch rỉ, nổi ban dạng tinh hồng nhiệt, có triệu chứng nhiễm độc toàn thân. Ở trẻ em viêm khí quản do tụ cầu thường có dấu hiệu nhiễm độc toàn thân, nuôi cấy dịch họng thấy tụ cầu dương tính, nhưng chỉ có ít thâm nhiễm ở phổi. Nguyên nhân nổi trội gây ra bệnh viêm xoang mạn tính, viêm xoang bướm là tụ cầu vàng.

Trên thực tế các thể bệnh viêm phổi do tụ cầu thường liên quan đến các bệnh cúm, sởi, hay gặp ở người mắc bệnh mạn tính, người bị suy giảm miễn dịch, bệnh nhân đặt nội khí quản. Triệu chứng bệnh phụ thuộc vào tuổi và sức khỏe của bệnh nhân. Khi bị viêm phổi, triệu chứng của bệnh cúm sởi thường nặng lên. Biểu hiện phổ biến là sốt cao, mạch nhanh, thở nhanh, ho. Khám thấy rì rào phế nang giảm và nhiều ổ ran nổ. Bệnh nhân có thể bị suy hô hấp, sốc nhiễm khuẩn. Ở giai đoạn này hay xảy ra 2 biến chứng là tràn dịch màng phổi và mủ màng phổi.

Khi khám các bác sĩ xét nghiệm đờm sẽ thấy tụ cầu, nhuộm soi đờm thấy tụ cầu tập trung từng đám cạnh bạch cầu, nhìn thấy tụ cầu trong bạch cầu, vì tụ cầu còn sống nhiều giờ sau khi bị thực bào. Chụp X-quang phổi thấy nhiều ổ viêm phổi dạng tròn, kích thước không đều, không đối xứng hai bên phổi. Nuôi cấy máu, đờm, dịch màng phổi thấy tụ cầu.

‎Tóm lại: Viêm phổi tụ cầu là một bệnh nặng, tỷ lệ tử vong cao, việc điều trị đòi hỏi phải hồi sức tích cực và dùng kháng sinh đúng. Vì vậy, khi có biểu hiện bệnh cần được phát hiện sớm và điều trị theo đúng chỉ định của bác sĩ. Cha mẹ cần nhớ không tự ý sử dụng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Chỉ dùng kháng sinh khi có chỉ định của bác sĩ, dùng kháng sinh phải đủ liều lượng, đủ thời gian, tuyệt đối không tự ý mua thuốc kháng sinh cho trẻ uống, để hạn chế vi khuẩn kháng thuốc.

TS.BS. Phan Thị Kim Dung - Phó trưởng khoa Nhi hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cho biết: "Sẽ tìm thấy những ổ trên da, mụn nhọt do tụ cầu, sau đó trẻ mới có những biểu hiện về hô hấp. Trên da mà có ban hay nhọt như vậy, nếu cha mẹ không đưa trẻ đi khám bệnh thì dễ nhầm lẫn vấn đề liên quan đến virus như chân tay miệng hay ban khác, đôi khi họ ko biết còn tưởng là sốt xuất huyết".

Đa số các phụ huynh đều nhầm lẫn viêm phổi tụ cầu với một số bệnh lý khác, dẫn đến trẻ nhập viện muộn. Trong khi đây là loại vi khuẩn gây nhiều bệnh cấp tính, để lại di chứng nặng nếu không được phát hiện sớm. Thời gian điều trị kéo dài gấp 3 lần so với bệnh viêm phổi thông thường.

Nhiễm khuẩn huyết có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng trẻ bị suy giảm miễn dịch, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh. Do đó, nếu thấy có biểu hiện bất thường trên da, phụ huynh nên đưa con tới cơ sở y tế khám để tránh biến chứng nguy hiểm cho trẻ. (Sức khoẻ & Đời sống, trang 4).

 

Quý 2/2024, dự kiến trẻ em sẽ được uống miễn phí vaccine phòng bệnh rotavirus

accine phòng bệnh rotavirus cho trẻ sẽ là vaccine thứ 11 được đưa vào trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng...

Thông tin với báo chí chiều 19/12, PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Bộ Y tế), cho biết, với vaccine phòng bệnh tiêu chảy do rotavirus, Bộ Y tế giao cho Chương trình Tiêm chủng mở rộng đưa vào từ năm 2023.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Dương Thị Hồng để triển khai một vaccine mới thì phải có sự chuẩn bị chu đáo, hướng dẫn, tập huấn trên quy mô toàn quốc. Bộ Y tế đang sửa thông tư 38 để đưa vaccine này vào Chương trình Tiêm chủng mở rộng. Vaccine này được hỗ trợ của Liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (GAVI).

Theo đó, GAVI hỗ trợ 20% số vaccine, Việt Nam tự túc 80%. Vaccine phòng bệnh rotavirus sản xuất trong nước đang được Bộ Y tế, Bộ Tài chính phê duyệt giá. Giống như các vaccine khác nếu hoàn thành, Chương trình Tiêm chủng mở rộng có thể tiếp nhận được vào quý 1/2024.

Theo đó, vaccine này sẽ được triển khai trước tại 33 tỉnh, thành. Dự kiến quý 1/2024 sẽ triển khai tập huấn cho cán bộ y tế, quý 2 sẽ triển khai uống. Đến cuối năm 2024, Bộ Y tế sẽ mở rộng phạm vi triển khai để đến năm 2025 có đủ vaccine triển khai cho toàn bộ trẻ dưới 1 tuổi trên cả nước.

Đây sẽ là vaccine thứ 11 được đưa vào trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng. Năm 2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 104 về lộ trình tăng số lượng vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng giai đoạn 2021-2030. Trong đó, ngoài vaccine phòng rotavirus, năm 2025 sẽ thêm vaccine phế cầu, sau đó là vaccine HPV vào năm 2026 và vaccine cúm mùa vào năm 2030.

Một điểm mới trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng là triển khai rà soát tiền sử tiêm chủng, tiêm bù mũi cho trẻ em nhập học mầm non, tiểu học. Trong năm 2023, hoạt động này được triển khai trên quy mô nhỏ tại 12 tỉnh, thành của 4 khu vực.

Dự kiến đến năm 2024, sẽ mở rộng phạm vi sang 30% số tỉnh thành, từ năm 2025 sẽ triển khai trên toàn quốc. Điều này giúp thu hẹp khoảng trống miễn dịch, chủ động phòng dịch, tiết kiệm nguồn nhân lực so với triển khai chiến dịch tiêm chủng bổ sung đồng loạt.

Hiện nay vẫn còn lưu hành virus bại liệt hoang dại tại một số quốc gia như Afghanistan, Pakistan, Mozambique… Ngoài ra, còn có virus biến đổi di truyền nguy hiểm không khác gì virus bại liệt hoang dại, có thể để lại di chứng nhất định. Vì thế, Việt Nam cần duy trì tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ.

Liên quan đến công tác tiêm chủng vaccine, thông tin với báo chí, PGS.TS Dương Thị Hồng cũng cho biết về kế hoạch tiêm bù, tiêm vét vaccine tiêm chủng mở rộng quý 1/2024 tập trung tăng cường quản lý đối tượng, ưu tiên tiêm bù, tiêm trả mũi các vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ em ngay sau khi được cung ứng vaccine.

Tăng cường giám sát các bệnh trong tiêm chủng : giám sát bệnh sởi, rubella, LMC/Bại Liệt, bạch hầu, ho gà, uốn ván sơ sinh, giám sát điểm ca tiêu chảy cấp do virus Rota.

Để đảm bảo an toàn tiêm chủng, cơ quan chuyên môn đã yêu cầu các điểm tiêm chủng trong trường hợp cần thiết có thể tăng số buổi tiêm chủng nhưng không tăng số trẻ trong 1 buổi tiêm chủng, cán bộ y tế phải nắm chắc những thông tin về an toàn tiêm chủng để truyền thông đến các bà mẹ, nhằm giúp cho bà mẹ theo dõi sát trẻ sau tiêm để kịp thời xử lý khi có tình huống phát sinh không mong muốn... (Sức khoẻ & Đời sống, trang 3).

Cùng chủ đề Báo Công an Nhân dân, trang 7: “Khi nào trẻ em Việt Nam được uống vaccine phòng bệnh rotavirus?”; An ninh Thủ đô, trang 4: “Bổ sung vaccine phòng Rotavirus vào tiêm chủng mở rộng miễn phí cho trẻ”.

 

Thí điểm đưa chăm sóc sức khỏe ban ngày vào kế hoạch chăm sóc sức khỏe người cao tuổi

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương, việc chăm sóc sức khỏe ban ngày cho người cao tuổi là rất cần thiết và xã hội đang có nhu cầu rất cao.

Chiều ngày 19/12, PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế đã chủ trì buổi họp của Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi về tình hình thực hiện Luật Người cao tuổi, chính sách đối với người cao tuổi năm 2023 tại TP Tân An, tỉnh Long An.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, công tác chăm lo cho người cao tuổi tại TP Tân An rất được coi trọng và được quan tâm. Thời gian qua địa phương đã triển khai rất nhiều hoạt động và đạt được nhiều thành tựu trong công tác chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi.

Tuy nhiên, dân số TP Tân An đang có xu hướng già hóa, tỷ lệ người cao tuổi rất cao, vậy nên chính quyền địa phương cần quan tâm hơn nữa về vấn đề chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi.

Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng, việc chăm sóc sức khỏe ban ngày cho người cao tuổi là rất cần thiết và xã hội đang có nhu cầu rất cao. Theo đó, trung bình mỗi người cao tuổi sẽ mắc ít nhất 3 căn bệnh. Đồng thời, sức khỏe của người cao tuổi thường bị ảnh bởi những yếu tố như: Do điều kiện kinh tế không thể thuê người chăm sóc, không có người thân chăm sóc sát sao... Thực tế, nhu cầu sáng đưa người cao tuổi tới trung tâm để được theo dõi, giao lưu văn hóa, vui chơi giải trí, chiều con cái, người thân đón về rất là cao.

TP Tân An có đặc thù là tỷ lệ người cao tuổi rất cao và dự đoán tỷ lệ người cao tuổi sẽ ngày càng cao do tỷ lệ sinh ngày càng thấp. Vậy nên, theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương, TP Tân An cần quan tâm tới vấn đề này, nghiên cứu để có thể bổ sung thêm kế hoạch chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi phù hợp với đặc thù của địa phương.

Theo báo cáo của TP Tân An, hiện trên địa bàn thành phố đang có 2 bệnh viện thực hiện chế độ khám bệnh ưu tiên cho người cao tuổi, bố trí giường bệnh phù hợp với người cao tuổi khi điều trị nội trú đó là Bệnh viện đa khoa tỉnh Long An và Bệnh viện Y học cổ truyền.

Hầu hết người cao tuổi trên địa bàn đều được hưởng lương hưu, chính sách người có công, chính sách bảo trợ xã hội, người cao tuổi thuộc hộ nghèo... đều được cấp thẻ bảo hiểm y tế và hỗ trợ khám bệnh miễn phí tại các đơn vị khám chữa bệnh của công lập. Tính tới nay, TP Tân An đã cấp thể bảo hiểm y tế cho 8.341 người cao tuổi đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp xã hội hàng tháng.

Đồng thời, các ban ngành, đoàn thể thành phố và xã, phường đã phối hợp trong công tác triển khai thực hiện chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Hội Người cao tuổi và trưởng trạm y tế xã, phường thực hiện tuyên truyền, phổ biến kiến thức phổ thông về chăm sóc sức khỏe, hướng dẫn kỹ năng phòng bệnh, chữa bệnh, tự chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi thông qua các buổi sinh hoạt BCH Hội Người cao tuổi.

Bên cạnh đó, Trung tâm Y tế thành phố cũng đã tổ chức các đoàn khám lưu động cho người cao tuổi, xây dựng kế hoạch và triển khai khám sức khoẻ định kỳ cho người cao tuổi cấp xã, phường.

Để đảm bảo nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động và các chế độ chính sách chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi trên địa bàn, PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương đề nghị Hội Người cao tuổi phối hợp với Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Sở Y tế và các ban, ngành liên quan tiến hành rà soát lại số liệu để báo cáo lên Bộ Nội vụ.

Địa phương cần tiến hành rà soát lại các đối tượng người cao tuổi trên địa bàn, tuyệt đối không được bỏ sót đối tượng nào. Cần đặc biệt chú ý tới các đối tượng người cao tuổi thường xuyên thay đổi chỗ ở để tránh bị bỏ sót. Ngoài ra, cần đảm bảo tất cả những người cao tuổi được hưởng các chính sách, quyền lợi về BHXH, BHYT, chăm sóc sức khỏe...

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương nhấn mạnh, các hướng dẫn về khám bệnh, chữa bệnh, khám sức khỏe định kỳ, khám sàng lọc cho người cao tuổi cần thực hiện đầy đủ. Hiện nay, Bộ Y tế đang xây dựng và chuẩn bị ban hành thông tư về các gói dịch vụ y tế cơ bản ở tuyến xã trong đó có gói chăm sóc sức khỏe người cao tuổi và khám sức khỏe định kỳ.

"Chúng tôi mong muốn căn cứ vào các nghị định này để tăng cường chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi. Đặc biệt, trong kế hoạch hoạt động chăm sóc sức khỏe người cao tuổi có nội dung thí điểm chăm sóc sức khỏe ban ngày cho người cao tuổi", Thứ trưởng nói.

Thứ trưởng Bộ Y tế đánh giá cao những thành tựu mà Hội Người cao tuổi TP Tân An đã thực hiện được trong thời gian qua và hy vọng rằng, người cao tuổi sẽ được quan tâm nhiều hơn nữa. Đồng thời được hưởng thêm nhiều chế độ, chính sách và được tham gia nhiều hoạt động chăm sóc sức khỏe hơn nữa trong thời gian tới. (Sức khoẻ & Đời sống, trang 2).

 

Rét đậm, cảnh báo nhiều người bị đột quỵ não

Theo Bệnh viện E, thời tiết chuyển lạnh sâu, mấy ngày vừa qua, Khoa Cấp cứu của bệnh viện liên tiếp tiếp nhận nhiều ca đột quỵ não và các bệnh tim mạch.

Mới 34 tuổi, anh P.T.H (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) có tiền sử khoẻ mạnh, vì vậy không nghĩ mình lại bị đột quỵ khi đang chơi thể thao trong tiết trời lạnh. Tối 18/12, anh H được đưa đến bệnh viện trong tình trạng yếu nửa người trái, khó nói…Theo đồng nghiệp của anh H, khi đang chơi bóng bàn tại cơ quan sau giờ làm việc, anh H có biểu hiện yếu nửa người, khó nói. Mọi người đều nghĩ anh bị trúng gió, nhưng thấy tình trạng của anh nặng lên, đã đưa đến Bệnh viện E cấp cứu. Các bác sĩ của Đơn vị đột quỵ và can thiệp mạch máu – Khoa Cấp cứu bệnh viện đã chẩn đoán anh H bị tắc mạch máu não cấp.

Theo bác sĩ, khả năng hồi phục của anh H rất cao do đến viện vào trong “thời gian vàng” sau 25 phút kể từ khi có triệu chứng nên đã được sử dụng thuốc tiêu huyết khối tái thông mạch máu.

Ông P.D.Q (66 tuổi, Lâm Thao, Phú Thọ) đang đi lễ nhà thờ cùng vợ đột ngột xuất hiện mệt mỏi, sau đó liệt hoàn toàn nửa người. Ông được sơ cứu tại chỗ bằng cách chích máu dái tai, một thời gian sau không cải thiện, người nhà vội vã đưa ông tới bệnh viện. Theo bác sĩ, việc sơ cứu như chích máu đầu tay hay chích máu dái tai đã làm chậm trễ việc cấp cứu bệnh nhân đột quỵ.

Cứ mỗi giây trôi qua, có 32.000 tế bào não bị chết nếu không được cung cấp máu và oxy. Cứ mỗi phút trôi qua, sẽ có 1,9 triệu tế bào não bị chết để lại khiếm khuyết thần kinh vô cùng nặng nề. Vì vậy, người dân nên hiểu biết đúng để kịp thời phát hiện các triệu chứng của đột quỵ não và nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất một cách an toàn. Hậu quả nặng nề của đột quỵ não ngoài tử vong còn để lại gánh nặng tàn tật.

Theo ThS.BS Nguyễn Ngọc Vĩnh Yên, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện E, thời tiết biến đổi thất thường như những ngày vừa qua khiến người bệnh nhập viện gia tăng đột biến, nhất là các bệnh lý về đột quỵ não và tim mạch. Nhiều người đến viện sớm, từ khi cấp cứu vào viện đến khi được can thiệp thành công chỉ từ 25-30 phút nên đã khỏi bệnh. Tuy nhiên, nhiều người đến viện muộn, qua giờ vàng, điều trị vô cùng khó khăn và để lại nhiều di chứng, trong đó có tàn tật.

Bác sĩ cũng khuyến cáo, thời tiết lạnh giảm sâu, người cao tuổi phải hết sức chú ý giữ ấm, không đi ra ngoài trời lạnh đột ngột, nhất là thời điểm sáng sớm, đêm tối. Điển hình là cụ ông 89 tuổi ở Nam Định, trưa 18/12, thời tiết lạnh giảm sâu, cụ có biểu hiện sốt, ho, khó thở, gia đình đưa đi bệnh viện tuyến huyện và được chẩn đoán bệnh lý mạch vành, được chuyển lên Bệnh viện Y học cổ truyền Hà Nội. Ngay trong đêm, cụ ông được chuyển đến Bệnh viện E cấp cứu và được chẩn đoán nhồi máu cơ tim. Kết quả men tim của bệnh nhân tăng gấp 30 lần so với ngưỡng thông thường. May mắn, sau hai ngày điều trị, cụ ông dần hồi phục.

Theo BS Nguyễn Ngọc Vĩnh Yên, để phòng tránh đột quỵ não và tim mạch mùa lạnh, người dân cần tầm soát các yếu tố nguy cơ như huyết áp, mỡ máu, đái tháo đường, thuốc lá, bia rượu, chất kích thích… Đồng thời, trong khoảng thời gian vàng từ dưới 3h - 4,5h đầu sau khi khởi phát đột quỵ, nếu người bệnh được đưa đến bệnh viện chữa trị kịp thời thì cơ hội sống sót và phục hồi rất cao. Với những người có tiền sử bệnh tim mạch, cao huyết áp, đái tháo đường,... nếu thấy những đột ngột nói khó, liệt 1/2 người, nhìn mờ 1 bên mắt, liệt nửa mặt… thì gia đình chủ động gọi cấp cứu hoặc đưa đến bệnh viện sớm.

“Việc càng trì hoãn điều trị sớm, trong vòng vài phút nếu không được cung cấp đủ máu các tế bào não sẽ bắt đầu chết, thời gian kéo dài càng lâu, số lượng tế bào não chết càng nhiều sẽ ảnh hưởng lớn tới khả năng vận động và tư duy của cơ thể, thậm chí là tử vong. Do đó, bệnh nhân đột quỵ cần được sớm đưa vào bệnh viện để các bác sĩ cứu chữa trong thời gian vàng này”, BS Yên khuyến cáo. (Công an Nhân dân, trang 7).

 

Xem xét giải thể Quỹ vaccine phòng, chống Covid-19

Ban Quản lý Quỹ vaccine phòng Covid-19 đang phối hợp với các đơn vị có liên quan nghiên cứu phương án và chuẩn bị các nội dung công việc cần thiết để báo cáo cấp có thẩm quyền chấm dứt hoạt động và giải thể Quỹ.

Việc xem xét chấm dứt hoạt động và giải thể Quỹ vaccine phòng Covid-19 diễn ra trong bối cảnh Bộ Y tế đã điều chỉnh Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A sang bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B.

Trước đó, ngay sau khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã thành lập Ban quản lý Quỹ vaccine phòng, chống Covid-19 đặt tại Kho bạc Nhà nước (KBNN) và mở tài khoản để tiếp nhận ủng hộ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

Tính đến ngày 30/11/2023, có 694.500 lượt tổ chức, cá nhân ủng hộ vào Quỹ. Tổng số tiền của Quỹ là 10.843,6 tỷ đồng (bao gồm cả lãi tiền gửi ngân hàng 202,5 tỷ đồng). Số chi từ Quỹ là 7.672,2 tỷ đồng, trong đó, chi mua vaccine 7.667,6 tỷ đồng; chi hỗ trợ nghiên cứu, thử nghiệm vaccine 4,6 tỷ đồng.

Hiện số dư của Quỹ là 3.171,4 tỷ đồng. (An ninh Thủ đô, trang 4).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang