Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Giáo sư Hoàng Đình Cầu – Anh hùng trên mặt trận bảo vệ sức khỏe nhân dân

  • |
T5g.org.vn - Nghệ An – vùng đất địa linh nhân kiệt, với núi Hồng, sông Lam, nơi phát tích nhiều giai thoại lịch sử về những anh hùng nghĩa hiệp, những nhà nho thâm trầm, sâu sắc từ đời này sang đời khác, tạo nên huyền tích về hình tượng “Ông đồ xứ Nghệ”. Vùng đất thiêng này có nhiều dòng họ nổi tiếng văn võ song toàn, nhiều đời làm đến quận công, thượng thư triều đình như họ Phan Huy, họ Nguyễn Duy, họ Hồ, họ Hoàng,... Đến thời đại cách mạng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh – vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc, nhiều trí thức nổi tiếng của Nghệ An giữ vị trí cao trong Chính phủ cũng như trong các ngành khoa học của nước nhà, trong số đó có Anh hùng lao động, Thày thuốc Nhân dân, Giáo sư, Bác sỹ Hoàng Đình Cầu.
GS. Hoàng Đình Cầu (Ảnh: Tư liệu)

GS. Hoàng Đình Cầu sinh ra trong một gia đình có truyền thống hiếu học ở xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Sau khi tốt nghiệp Trường Quốc học Huế, ông vào học Đại học Y dược Đông Dương ở Hà Nội và tốt nghiệp bác sĩ y khoa năm 1944, khoá cuối cùng do Pháp đào tạo. Ra trường với tấm bằng bác sĩ phẫu thuật, thầy thuốc trẻ Hoàng Đình Cầu làm giảng viên môn Phẫu thuật và khoa Ngoại Đại học Y, bác sĩ nội trú ở Nhà thương Phủ Doãn (nay là Bệnh viện Việt - Đức Hà Nội). Năm 1947, Ông được cử làm Hiệu trưởng Trường Y sĩ Việt Nam đóng tại Thanh Hoá, lúc mới 30 tuổi. Khi được Bộ Y tế điều về làm Vụ trưởng Vụ Huấn luyện (nay là Vụ khoa học đào tạo) Ông càng có cơ hội để hoàn tất các giáo trình giảng dạy bằng tiếng Việt tại các Trường Y khoa ở miền Bắc, cùng với nhóm biên soạn sách giáo khoa xuất sắc thời bấy giờ: Vũ Công Hoè, Nguyễn Tấn Gi Trọng, Trần Hữu Tước, Hồ Đắc Di, Đặng Văn Ngữ… Trong suốt 19 năm làm Thứ trưởng Bộ Y tế, GS. Cầu đã để nhiều tâm huyết xây dựng các mạng lưới y tế xã, phường, thôn, bản, và đặc biệt Ông có các chương trình huấn luyện, đào tạo các cán bộ y tế cơ sở rất có tác dụng trong việc cung cấp cán bộ phục vụ kịp thời cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Sau Hiệp định Giơnevơ 1954, hoà bình lập lại, GS. Hoàng Đình Cầu ở trong đoàn tiếp quản các cơ sở y tế ở Hà Nội. Sau đó, ông được cử làm Giám đốc Bệnh viện Phủ Doãn (1954-1955) và đi tu nghiệp ở Matxcơva (1955-1958). GS. Hoàng Đình Cầu đã có những phát minh khoa học để đời cho ngành Y tế Việt Nam. Năm 1959, Ông sáng lập ra ngành phẫu thuật phổi ở Việt Nam. Ông chính là người đầu tiên xây dựng khoa Phẫu thuật phổi và với đôi bàn tay có thần của mình, trong 3 thập kỷ (1960-1990), GS. Hoàng Đình Cầu đã phẫu thuật thành công cho 2.000 bệnh nhân mắc các bệnh hiểm nghèo về phổi kể cả lao và ung thư. Ông cũng là người đầu tiên áp dụng châm tê thay gây mê trong phẫu thuật. Đây là một thể nghiệm có tính bứt phá và tạo điều kiện cho những bệnh nhân không chịu được thuốc mê, đồng thời khẳng định giá trị của phương pháp chữa bệnh đông tây y kết hợp. Ông cũng là nhà Y xã hội học đầu tiên của Việt Nam. Bằng những trải nghiệm hoạt động thực tiễn trong nghề, ông đúc rút thành lý luận về một ngành Y tế phục vụ xã hội. Lý thuyết về y xã hội học của ông đã được áp dụng trong hoạch định đường lối phát triển toàn diện ngành y học phục vụ dân sinh và xã hội. Nhất là khi ông làm Chủ tịch Tổng hội Y – Dược học Việt Nam thì lý thuyết đó đã biến thành hiện thực với kết quả làm thay đổi chất lượng hoạt động của ngành Y tế.

Ở GS. Hoàng Đình Cầu, ta tìm thấy một người thầy thuốc tận tuỵ, yêu nghề, yêu lao động và đầy tình nhân ái. Trong chiến tranh, mặc dù phải đảm nhận nhiều trọng trách, ông vẫn thực hiện xuất sắc nhiệm vụ người thầy thuốc, nhiều lần tự hiến máu để kịp thời cứu người bệnh trong cơn hiểm nghèo, góp phần cứu sống hàng ngàn thương binh, bệnh binh, các nạn nhân chiến tranh.

Là thầy giáo, sau hơn 40 năm giảng dạy, Giáo sư đã thực sự trở thành hình ảnh tiêu biểu của một nhà giáo mẫu mực trong nhiệm vụ trồng người của ngành Y tế. Trên cương vị Vụ trưởng Vụ Huấn luyện (1959-1970), Thứ trưởng Bộ Y tế (1971-1989) và Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội (1985-1990), Giáo sư đã tổ chức lại Trường Đại học Y, xây dựng đội ngũ giảng dạy, cải tiến chương trình và phương pháp dạy và học. Ông còn làm Chủ nhiệm bộ môn Phẫu thuật thực hành, biên soạn sách giáo khoa, khởi xướng việc xây dựng các trung tâm y tế của các viện - trường. Mục tiêu của Giáo sư là làm thế nào để trong một thời gian ngắn nước ta có một đội ngũ đông đảo cán bộ y tế ở bậc đại học, trung học và sơ lược đủ chất lượng về chuyên môn cũng như về y đức. Một trong những công việc ưu tiên của ông là dịch thuật tài liệu y học tiếng Pháp sang tiếng Việt để thuận tiện cho việc dạy và học. Ngoài việc viết nhiều sách giáo khoa, sách tham khảo, ông luôn quan tâm đến công tác y học dự phòng, y học dân tộc theo đường lối y tế Việt Nam. Gắn bó cuộc đời với công tác đào tạo cán bộ, Giáo sư đã góp phần không nhỏ vào việc xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ y tế lớn mạnh như ngày nay. Các thế hệ học trò của ông cũng đã trở thành giáo sư, phó giáo sư... và đang nắm giữ nhiều trọng trách trong ngành.

Ngoài ra, ông còn là chủ biên Từ điển Y học Pháp - Việt, Nga - Việt; viết bài trong Từ điển Bách khoa Bệnh học, Trưởng ban Y trong Hội đồng biên soạn Từ điển Bách khoa Việt Nam. Sự nghiệp khoa học của Giáo sư Hoàng Đình Cầu đã góp phần đáng kể xây dựng ngành Y tế nước nhà hoà nhập từng bước vào nền y học hiện đại thế giới.

Năm 1982, Giáo sư được cử kiêm chức Chủ tịch Ủy ban điều tra hậu quả của chất độc da cam (UB10-80), tiếp tục công việc mà Giáo sư Tôn Thất Tùng đã đặt nền móng. Sau 18 năm, công trình đã có kết luận và được các nhà khoa học trên thế giới thừa nhận. Các công trình nghiên cứu khoa học tiêu biểu của ông thuộc y - sinh học, y - xã hội học, tập trung vào các chủ đề: phẫu thuật các thể lao phổi - màng phổi nặng, lao cột sống, nhiễm khuẩn phổi; phát hiện sớm và điều trị ung thư phổi bằng phẫu thuật, kết hợp với miễn dịch học; châm tê trong mổ phổi (1969); hậu quả lâu dài của các chất phát quang và diệt cỏ; chăm sóc sức khoẻ ban đầu; tổ chức y tế và mạng lưới y tế nông thôn; quản lí y tế; bảo hiểm sức khoẻ cộng đồng nông thôn; sư phạm y học, và Streptococcus. Dùng để điều chế thuốc bổ, thuốc chữa đau mắt, sốt rét, lị, bệnh về gan, bệnh đường ruột.

Một con người có tài, có đức như Giáo sư Hoàng Đình Cầu lại luôn gắn bó với quần chúng, với đời thường, ông từng là đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Tổng Hội Y  Dược học Việt Nam (nay là Tổng Hội Y học Việt Nam). Ông còn là Chủ nhiệm Hội hữu nghị Việt Nam - Cộng hoà Liên bang Đức, cố vấn của Tổ chức Y tế thế giới, Trưởng đoàn Y tế Việt Nam tham dự nhiều khoá Đại hội đồng Y tế thế giới và Tây Thái Bình Dương, trưởng đoàn đại biểu Y tế Việt Nam tham dự Hội nghị quốc tế về Chăm sóc sức khoẻ ban đầu, dự Hội nghị quốc tế về dân số...

GS. Hoàng Đình Cầu (1/4/1917-18/7/2005) nguyên Chủ tịch Tổng Hội Y học Việt Nam (1985 - 2000). Tận tụy, hết mình đóng góp cho khoa học, ông được ghi nhận là “Lão thần trụ cột của ngành Y học Việt Nam”, được Nhà nước phong tặng nhiều danh hiệu cao quý và bạn bè quốc tế nể trọng, kính phục. Tên tuổi của Giáo sư còn được Trung tâm Tiểu sử quốc tế Cambridge (Vương quốc Anh) ghi vào Từ điển Tiểu sử quốc tế và Hội đồng xuất bản tiểu sử danh nhân Marquis (Hoa Kỳ) ghi vào tiểu sử danh nhân.

Trung Thành 

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang